Mới đây, Quốc hội thông qua dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Thời hạn thị thực điện tử (e-visa) sẽ được nâng từ 30 ngày lên 90 ngày. Sau khi được cấp thị thực điện tử, trong 90 ngày, người nước ngoài được nhập, xuất cảnh không giới hạn số lần, không phải làm thủ tục cấp thị thực mới.

Luật cũng cho phép công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú 45 ngày (quy định trước đó là 15 ngày) và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.

Jeremy Hatfield, du khách người Mỹ, khẳng định sẽ "chốt đơn" du lịch dài ngày tại Việt Nam bởi visa thông thoáng hơn. "Tôi sẽ đặt vé máy bay đến Việt Nam khi những chính sách về visa được triển khai, kéo dài thời gian lưu trú", Jeremy Hatfield hào hứng.
Du khách quốc tế hào hứng

Jeremy có xu hướng du lịch trải nghiệm, dành nhiều thời gian và nghỉ dưỡng nên chính sách visa 30 ngày trước kia rất hạn chế đối với ông. Những lần trước đến Việt Nam, để có thêm ngày nghỉ, du khách Mỹ này buộc phải xin visa Campuchia hoặc Lào mất khoảng 50 USD (khoảng 1,2 triệu đồng).

"Sau khi biết thông tin, tôi đã lên kế hoạch dành thời gian khám phá miền Bắc Việt Nam. Sau đó, tôi muốn đến Đà Nẵng để nghỉ dưỡng. Tôi thích Đà Nẵng vì đó là một thành phố biển và nằm ở trung tâm", du khách này chia sẻ.

Đồng quan điểm, Wilhelm BT, du khách người Australia, đã đến Việt Nam 10 lần, cho biết sau khi nhận thông tin chính sách visa Việt Nam được nâng lên 90 ngày đã lên kế hoạch trở lại Việt Nam du lịch dài ngày.

"Trước đó, dù rất thích khám phá Việt Nam nhưng tôi cũng ngại du lịch vì visa. Ngoài ra, tôi nghĩ Việt Nam nên nâng cấp trang web xin visa. Trang web xin visa cho người Autralia bị lỗi rất nhiều, có lần tôi đã phải truy cập bằng trang web tiếng Việt, rào cản ngôn ngữ gây khó khăn đối với tôi", Wilhelm BT cho biết.

Khách châu Âu có xu hướng du lịch trải nghiệm dài ngày. Ảnh: Linh Huỳnh.





Khách châu Âu có xu hướng du lịch trải nghiệm dài ngày. Ảnh: Linh Huỳnh.


Bà Đỗ Thụy Nhã Đoan, đại diện truyền thông Viettourist, cho biết việc nâng hạn mức visa lên 90 ngày cho thấy động thái cởi mở của các ban ngành đối với việc kích cầu du lịch. Hiện tại, không có quá nhiều khách từ các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Úc đến Việt Nam vì những rào cản visa trước đây. Các thị trường chủ yếu đến Việt Nam là các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ.

“Khách châu Âu có xu hướng du lịch dài ngày. Họ đến và trải nghiệm du lịch Việt Nam rất sâu, đồng thời có bạn bè và người thân ở Việt Nam nên nhu cầu lưu trú dài ngày khá cao. Đặc biệt, các tuyến biển đảo được khách quốc tế chọn nghỉ dưỡng thời gian dài. Do đó, việc chính sách visa thông thoáng tạo điều kiện giúp Việt Nam thu hút thị trường khách này và hạn chế khách quốc tế chuyển hướng đến nước khác trong khu vực du lịch”, bà Đoan nhận định.

Ngoài ra, đại diện doanh nghiệp lữ hành này nhấn mạnh một trong những lý do khách quốc tế quan tâm đến Việt Nam còn do nước ta có thể trung chuyển đến Campuchia, Thái Lan, Lào bằng đường bộ khá dễ dàng, khách có thể du lịch cả ba nước Đông Dương trong một chuyến.
Kỳ vọng cú hích du lịch

Với chính sách visa mới thông thoáng, các doanh nghiệp kỳ vọng lượng khách inbound sẽ tăng trưởng trong thời gian sắp tới và đa dạng về các quốc tịch khách hơn.

Mặt khác, hiện ngành du lịch Việt Nam đang trong mùa thấp điểm đón khách quốc tế và chính sách visa mới có hiệu lực từ 15/8. Do đó, các doanh nghiệp lữ hành cho rằng sức ảnh hưởng của chính sách visa mới đối với kế hoạch đón khách quốc tế sẽ thấy rõ hơn vào năm 2024, khi chính sách đã được phổ biến rộng rãi với du khách và áp dụng đủ lâu.

Theo bà Nguyễn Thị Hiên, Giám đốc Kinh doanh BestPrice Travel, hiện nay chính sách nâng hạn mức visa vẫn chưa được chính thức áp dụng. Tuy nhiên, so với chính sách visa cũ, điều này tạo hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp có thế mạnh ở dòng tour dài ngày (2-3 tuần) và kết hợp nhiều nước trong lịch trình.

"Việc du khách có thể xuất nhập cảnh không giới hạn số lần với visa 90 ngày, doanh nghiệp tôi kỳ vọng thu hút thêm 5% lượng khách đi du lịch dài ngày. So sánh với tình hình kinh doanh hiện tại của công ty, cũng như đối với thị trường chung, chúng tôi kỳ vọng có thể đạt được ít nhất 80% kế hoạch đón khách quốc tế năm nay", bà Hiên nói.

Bà Nhã Đoan cũng nhận định với tình hình khách đến sau dịch còn thấp, kinh tế thế giới có nhiều biến động, doanh nghiệp kỳ vọng khách inbound tăng trưởng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Hiện, các đơn vị làm inbound đã sớm có kế hoạch thúc đẩy xúc tiến du lịch bằng cách khảo sát và hợp tác cùng các cơ sở lưu trú để có mức giá tốt nhất cho du khách. Chúng tôi tạo ra sản phẩm tour phong phú, đa dạng hơn, hành trình kết hợp giữa các nước Đông Dương dễ dàng, thiết kế tour phù hợp cho khách inbound từng quốc gia cụ thể”, bà Đoan cho hay.

Doanh nghiệp kỳ vọng lượng khách inbound sẽ tăng trưởng sau chính sách visa mới. Ảnh: Đoàn Nguyên.





Doanh nghiệp kỳ vọng lượng khách inbound sẽ tăng trưởng sau chính sách visa mới. Ảnh: Đoàn Nguyên.


Dù cho rằng chính sách mới này sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm lượng khách quốc tế, cả hai đại diện lữ hành trên cho rằng để tăng tính cạnh tranh với các nước trong khu vực thì chưa rõ ràng. Bởi, ngoài thời gian lưu trú hay số lần được nhập cảnh, du khách quan tâm tới chính sách miễn visa, cũng như thủ tục xin visa và nhập cảnh. Hai điều này tại Thái Lan và Campuchia được đánh giá đang làm tốt hơn tại Việt Nam.

Theo bà Nhã Đoan, thông thường, nếu khách chọn du lịch qua công ty lữ hành, du khách sẽ được phục vụ tiêu chuẩn 3 sao trở lên, nhà xe các điểm tham quan có chi phí ổn định, không chặt chém. Tuy nhiên, với chính sách visa mới, du khách có thể du lịch dài ngày, khách quốc tế có xu hướng tự đặt dịch vụ để trải nghiệm.

Do đó, chính quyền cần chấn chỉnh hệ thống dịch vụ như các cơ sở lưu trú an toàn, nhà hàng, quán ăn đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết giá rõ ràng cụ thể. “Ngành du lịch cần chấn chỉnh, đồng bộ địa phương có lượt khách quốc tế đổ về nhiều như Bình Thuận, Nha Trang, Phú Quốc và các tuyến Đông Bắc, Tây Bắc", bà Đoan cho hay.

Post a Comment